Thi Hội Khoa_bảng_Việt_Nam

Bài chi tiết: Thi Hội
Các tân khoa nhận áo mũ vua ban

Đại cương

Thi Hội là khoa thi 3 năm một lần ở cấp trung ương do bộ Lễ tổ chức. Từ đời Lê Thánh Tông thi Hương được tổ chức vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu và thi Hội vào năm sau Sửu, Mùi, Thìn, Tuất (dựa theo quy định thi cử của Trung Quốc). Khoa thi này được gọi là "Hội thi cử nhân" hoặc "Hội thi cống sĩ" (các cử nhân, cống sĩ, tức là người đã đỗ thi Hương ở các địa phương, tụ hội lại ở kinh đô để thi) do đó gọi là thi Hội.

Trước năm 1442 thí sinh đỗ cả bốn kỳ được công nhận là trúng cách thi Hội, nhưng không có học vị gì. Nếu không tiếp tục thi Đình thì vẫn chỉ có học vị hương cống hoặc cử nhân. Chỉ sau khi thi Đình, người trúng cách thi Hội mới được xếp loại đỗ và mới được công nhận là có học vị các loại tiến sĩ. Từ năm 1442 thí sinh đỗ thi Hội mới có học vị Tiến sĩ (tức Thái học sinh - tên dân gian là ông Nghè). Người đỗ đầu gọi là Hội Nguyên.Vào thời nhà Nguyễn những thí sinh thiếu điểm để đỗ tiến sĩ có thể được cứu xét và cho học vị Phó Bảng (ông Phó Bảng hay Ất tiến sĩ). Khoa thi Hội đầu tiên năm 1397 đời Trần Thuận Tông, khoa thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 thời vua Khải Định, đánh dấu sự chấm dứt của khoa bảng phong kiến Việt Nam[74].

Thể lệ

Kỳ thi Hội vào năm Quang Thuận- đời vua Lê Thánh Tông, người nào trúng được 4 kỳ gọi là Tiến sĩ, người không trúng bổ vào tăng quảng sinh ở Quốc tử giám, người nào trúng 3 kỳ bổ làm thuộc lại, tá nhị hoặc giáo chức ở nha môn, còn viên quan chính thứ ở các huyện sẽ bổ người thi đậu Tiến sĩ.[75]

Thể lệ thi hội thời nhà Nguyễn

Năm Minh Mệnh thứ 6, định lệ cứ năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở khoa thi hội và thi vào tháng ba âm lịch. Giám khảo có một chánh chủ khảo, một phó chủ khảo, hai tri cống cử, hai đề điệu, sáu đồng khảo để coi việc ra đầu bài, chấm quyển, vài bốn tuần sát để coi việc giữ gian và bốn mươi thơ lại để coi việc sổ sách, viết quyển, viết bảng,...

Thi Hội chia làm 4 kỳ: kỳ đệ nhất ít nhất phải làm một bài kinh nghĩa, kỳ thứ hai thi chiếu, biểu; kỳ thứ ba thi một bài ngũ ngôn mười sáu câu, một bài phú độ tám vần; kỳ thứ tư thi văn sách. Trong hai kỳ, phải một kỳ bất cập phân thì hỏng, trong bốn kỳ được tám phân trở lên mới trúng cách. Hội thi trúng cách rồi mới thi Đình.[76]